GỬI YÊU CẦU TƯ VẤN
Vai trò của Bảo hiểm với đời sống
Trong đà phát triển của nền kinh tế hiện nay, Bảo hiểm ngày càng chứng minh được vai trò quan trọng của mình đối với đời sống kinh tế xã hội. Vai trò quan trọng của bảo hiểm với tư cách là một loại hình dịch vụ tài chính và là một trong những cơ chế đảm bảo an sinh xã hội trong nền kinh tế quốc dân có thể được kể đến như sau:
Chuyển giao rủi ro
Bảo hiểm vận hành giống như một cơ chế chuyển giao rủi ro. Cùng với việc đóng phí bảo hiểm, người được bảo hiểm đã chuyển giao những hậu quả rủi ro về tài chính sang công ty bảo hiểm. Ví dụ: Một người mua một chiếc ôtô trị giá 500 triệu đồng. Đây là sự đầu tư lớn nhất từ trước đến nay của anh ta. Một người lạc quan nhất cũng nhận ra rằng việc đầu tư trên có thể gặp rủi ro. Chiếc xe có thể bị ăn cắp hoặc bị hư hại do tai nạn hoặc hoả hoạn gây ra. Tai nạn có thể gây thương tích nặng cho những người khác. Trong trường hợp đó chủ xe sẽ đối phó với những rủi ro tiềm tàng này cũng như những hậu quả tài chính của chúng bằng cách nào? Anh ta không biết chắc liệu rủi ro có xảy ra hay không và nếu chúng xảy ra hậu quả sẽ là bao nhiêu? Có thể cho tới thời điểm cuối của một năm nào đó sẽ không có sự cố nào xảy ra nhưng cũng có thể ngay ngày đầu năm đó, xe của anh ta bị phá huỷ hoàn toàn. Bằng cách tham gia bảo hiểm, chủ xe đã chuyển giao rủi ro sang công ty bảo hiểm. Khi đó nếu có những tổn thất, thiệt hại xảy ra, công ty bảo hiểm sẽ thực hiện bồi thường. Chủ xe có thể an tâm vì những tổn thất đó đã được chia sẻ.
San sẻ tổn thất
Bảo hiểm có tác dụng san sẻ tổn thất tài chính của một số ít người cho số đông nhiều người. Đây là tác dụng hết sức quan trọng của bảo hiểm. Khi số đông tham gia bảo hiểm, không phải tất cả mọi người tham gia đều gặp phải rủi ro tổn thất mà chỉ một số ít người trong đó không may gặp phải rủi ro. Do đó, thông qua việc đóng góp một khoản tiền nhỏ, người tham gia bảo hiểm không những được bảo vệ trước những thiệt hại về tài chính (nếu có) mà còn góp phần hỗ trợ, giúp đỡ những người không may khác. Tác dụng này đã thể hiện rõ nguyên tắc lấy số đông bù số ít và nguyên tắc tương hỗ.
Giảm thiểu tổn thất, thiệt hại
Trong quá trình thực hiện các nghiệp vụ, các công ty bảo hiểm luôn chú ý đến việc tăng cường áp dụng các biện pháp phòng tránh cần thiết để bảo vệ đối tượng bảo hiểm, góp phần đảm bảo an toàn cho tính mạng, sức khỏe con người, của cải và vật chất của xã hội., Cụ thể:
– Thực hiện hỗ trợ các công cụ phòng ngừa rủi ro và hạn chế tổn thất ở mức thấp nhất có thể (Ví dụ: Các công ty bảo hiểm tài trợ việc lắp đặt gương phản chiếu giao thông; xây dựng đường lánh nạn tại những tuyến đường nguy hiểm, thường xảy ra tai nạn; yêu cầu những đối tượng khi tham gia bảo hiểm phải thực hiện những biện pháp đề phòng hạn chế tổn thất như lắp đặt hệ thống báo cháy, chữa cháy).
– Giải quyết hậu quả kịp thời giúp khách hàng nhanh chóng ổn định kinh doanh và cuộc sống (Ví dụ: Khi xảy ra rủi ro với đối tượng được bảo hiểm, các công ty bảo hiểm nhanh chóng thực hiện cứu hộ, khôi phục, sửa chữa tài sản thiệt hại, nhanh chóng chi trả, giải quyết quyền lợi cho bên mua bảo hiểm)
Ổn định chi phí
Nếu không tham gia bảo hiểm, khách hàng có thể tiết kiệm được một khoản chi phí (phí bảo hiểm) giúp giảm chi (nếu các yếu tố khác không đổi). Nhưng thay vào đó họ phải tự mình lập ra những khoản dự phòng (có thể rất lớn) để đề phòng cho những rủi ro, tổn thất có thể sẽ gặp phải trong tương lai, hoặc “chờ đợi” khi rủi ro, tổn thất xảy ra sẽ phải có những khoản chi phí phát sinh (có thể rất lớn) để bù đắp, giải quyết thiệt hại, tổn thất. Như vậy dù bằng cách này hay cách khác, khi không tham gia bảo hiểm, với những rủi ro tổn thất có thể sẽ xảy ra trong tương lai, khách hàng không thể chủ động về mặt chi phí để “đối phó” với những rủi ro, tổn thất này. Ngược lại, khi tham gia bảo hiểm, khách hàng có thể chủ động về mặt chi phí. Bằng việc đóng những khoản phí bảo hiểm (rất nhỏ so với những thiệt hại, tổn thất khi rủi ro xảy ra), khách hàng sẽ được đảm bảo an toàn bởi các công ty bảo hiểm.
Ví dụ: Một công ty chuyên sản xuất kinh doanh đồ chơi cho trẻ em. Trong trường hợp lạc quan nhất, vị giám đốc đó cũng nhận thấy rằng rủi ro có thể đến bất kỳ lúc nào đối với doanh nghiệp của anh ta như mất cắp, hoả hoạn,… Nếu điều đó xảy ra, sẽ gây tổn thất cho công ty, làm gia tăng chi phí, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất kinh doanh. Bằng cách tham gia bảo hiểm, chi phí đầu vào của doanh nghiệp sẽ gia tăng nhưng thay vào đó, họ đã chuyển phần rủi ro cho công ty bảo hiểm, góp phần ổn định chi phí, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh.
An tâm về mặt tinh thần
Tham gia bảo hiểm, người được bảo hiểm đã chuyển phần rủi ro của mình sang công ty bảo hiểm nên đã giải toả được nỗi sợ hãi và lo lắng về những tổn thất có thể xảy ra.
Ví dụ:
+ Với một cá nhân: Một người là trụ cột một gia đình với hai con nhỏ, thu nhập của anh khoảng 10 triệu đồng một tháng. Với rất nhiều công việc phải lo toan trong cuộc sống, anh nghĩ rằng: Nếu không may có điều gì đó xảy ra, vợ con mình sẽ ra sao? Họ sống thế nào khi khoản thu nhập của gia đình bị giảm? Bằng cách tham gia bảo hiểm nhân thọ hỗn hợp cho mình với số tiền bảo hiểm 100 triệu đồng, anh sẽ được an tâm về tinh thần, giải toả những lo lắng đối với gia đình nếu không may những rủi ro thường trực xảy ra.
+ Với một cơ sở sản xuất: Nếu người giám đốc quan tâm, tham gia bảo hiểm hỏa hoạn, bảo hiểm hỗn hợp cho cán bộ công nhân viên thì không chỉ lãnh đạo đơn vị mà mọi thành viên sẽ yên tâm làm việc, phát triển sản xuất kinh doanh
Kích thích tiết kiệm
Bảo hiểm ra đời đã tạo ra một hình thức tiết kiệm linh hoạt, tác động đến tư duy của các cá nhân, hộ gia đình, chủ doanh nghiệp, góp phần hình thành nên một ý thức, thói quen về tiết kiệm một phần thu nhập để có một tương lai an toàn hơn. Hơn thế nữa trong bảo hiểm nhân thọ có những hợp đồng bảo hiểm nhân thọ vừa mang tính bảo vệ, vừa mang tính tiết kiệm. Khi không có rủi ro xảy ra, khoản phí bảo hiểm khách hàng đóng có tính chất như những khoản tiền được tích lũy định kỳ. Hay nói cách khác, khi không có rủi ro xảy ra, bảo hiểm là một trong những hình thức tiết kiệm hiệu quả cho khách hàng.
Đầu tư phát triển kinh tế
Một trong những đặc điểm của hoạt động kinh doanh bảo hiểm là phí nộp trước, việc bồi thường, chi trả tiền bảo hiểm chỉ được thực hiện khi có sự kiện quy định trong hợp đồng xảy ra. Do vậy, các công ty bảo hiểm có một quỹ tiền tệ tập trung khá lớn. Lượng vốn này sẽ được các công ty bảo hiểm tính toán đầu tư sao cho có hiệu quả bởi lẽ khả năng cạnh tranh của mỗi công ty bảo hiểm phụ thuộc rất lớn vào hiệu quả hoạt động đầu tư. Trên cơ sở của kết quả đầu tư, các công ty sẽ có điều kiện giảm phí để từ đó thu hút khách hàng, đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế. Các tổ chức bảo hiểm đầu tư vào nền kinh tế theo nhiều kênh khác nhau, trong đó có thị trường bất động sản, thị trường vốn và đặc biệt là thị trường chứng khoán.
Ví dụ: Bảo Việt hàng năm đã thực hiện đầu tư dưới nhiều hình thức trên thị trường tài chính Việt Nam: Bảo Việt tham gia đầu tư trên thị trường chứng khoán qua công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt; tham gia góp vốn vào Công ty vui chơi giải trí Hồ Tây, Ngân hàng thương mại cổ phần hàng hải, Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu; mua trái phiếu Kho bạc Nhà nước…
Tạo công ăn việc làm
Xét trên bình diện vĩ mô, bảo hiểm đã góp phần giải quyết công ăn việc làm cho người lao động. Ví dụ: Ở Pháp, hoạt động bảo hiểm thu hút khoảng 1% dân số đất nước. Điều đó chứng tỏ hoạt động bảo hiểm là lĩnh vực thu hút lao động xã hội không nhỏ. Ngoài ra, thông qua đầu tư dưới nhiều hình thức, bảo hiểm còn gián tiếp tạo thêm nhiều việc làm cho các ngành khác.